Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh
1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói về công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng rất phong phú và sâu sắc, tập trung vào những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, cách mạng Việt Nam “trước hết phải có đảng cách mệnh”. “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”. “Chủ nghĩa” mà Người nói ở đây là chủ nghĩa Mác - Lênin.Viết về vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng ta,Hồ Chí Minh đã khẳng định nó “là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”.
Theo Người, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để hiểu bản chất của các vấn đề, hiểu đúng để hành động đúng; vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đồng thời, Đảng ta thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cách mạng nước ta và bổ sung làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đấu tranh chống biểu hiện cơ hội, xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lịch sử phong trào cộng sản có những khúc quanh, nhưng những giá trị mà thế giới quan, phương pháp luận của học thuyết Mác - Lênin là bất diệt. Ngày nay ở một số trường đại học danh tiếng của các nước tư bản vẫn tiếp tục nghiên cứu Mác. Hội thảo về giá trị của bộ Tư bản ở Đức luôn luôn có sức hút đối với đông đảo cử tọa, nhất là trí thức và thanh niên sinh viên Đức.
Thứ hai, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Vận dụng những nguyên tắc xây dựng đảng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nguyên tắc chủ yếu:
- Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất.
Nội dung cơ bản của tập trung là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương, tất cả mọi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của tổ chức Đảng. Từ đó làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.
Dân chủ là thành quả cách mạng, là tài sản quý báu nhất của nhân dân. Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi mà cũng là nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.
Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ, vì nếu không có dân chủ nội bộ thì sẽ làm cho “nội bộ của đảng âm u” trong tình hình ấy đảng đã bị suy yếu từ bên trong, như vậy sớm muộn cũng không còn là đảng cộng sản.
- Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải luôn luôn đi đôi với nhau.Người đã có một sự giải thích rất mới mẻ:
“Tập thể lãnh đạo là dân chủ.
Cá nhân phụ trách là tập trung.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”.
- Nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà Lênin đã đề ra để xây dựng một đảng kiểu mới. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triến của Đảng, có khi Người nói tự phê bình và phê bình, nhưng thường đặt tự phê bình lên trước phê bình.
- Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác.
Đây là một nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản do Lê-nin đề ra để phân biệt với các Đảng kiểu cũ của Quốc tế II.
Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng một kỷ luật nghiêm minh và tự giác trong Đảng để tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. Nghiêm minh là thuộc về tổ chức Đảng. Tự giác là thuộc về mỗi cá nhân đối với Đảng.
Việc đề cao ý thức kỷ luật đối với mọi cán bộ đảng viên từ trên xuống dưới chỉ làm tăng uy tín của Đảng; ngược lại nếu cán bộ đảng viên vi phạm kỷ cương phép nước, tự cho mình là người lãnh đạo, coi thường kỷ luật của các đoàn thể nhân dân thì uy tín của Đảng càng giảm thấp, càng đưa đến những nguy cơ cho Đảng.
- Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng.
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trước lúc đi xa, Người đã di chúc lại điều mà Người đã đặt ra ngay từ khi thành lập Đảng và đã dầy công vun đắp trong suốt cuộc đời mình
Thứ ba, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hai mặt lãnh đạo và đầy tớ không tách rời nhau, không đối lập nhau, mà như Người nhấn mạnh: Lãnh đạo có nghĩa là làm đầy tớ. Đây là một luận điểm lớn đã được Người nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, khi Người xác định vai trò của Đảng và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Vấn đề rất đơn giản, nhưng hiểu cho thấu và làm cho được, thật không dễ; nhất là khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền, nhưng dân là chủ, đó chính là quan điểm rất quan trọng của Hồ Chí Minh.
Thứ tư, quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức có tài để Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.
Xây dựng Đảng về mặt đạo đức là nội dung đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự phát triển rất cơ bản và sáng tạo học thuyết của Lê-nin về Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.
Về phẩm chất đạo đức: Suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. “Dĩ công vi thượng” như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn nhắc lại lời dặn của Bác Hồ
2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh
Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là tấm gương chung cho cả dân tộc, cho các thế hệ Việt Nam mãi mãi về sau. Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày. Người thường nhắc lại luận điểm “chính tâm, tu thân” của Khổng Tử, từ đó rút ra ý nghĩa tích cực để vận dụng vào việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, phạm vào tham ô, lãng phí, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng. Từ đó, Người đi đến một kết luận khái quát: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Kết luận của Hồ Chí Minh cũng đúng với sự đổ vỡ của một số Đảng ở cuối thế kỷ XX. Điều này cũng đúng như Lê-nin đã từng nhận định: Cái chết về đạo đức nhất định sẽ dẫn đến cái chết về chính trị.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người vừa vĩ đại, vừa vô cùng bình dị, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, quan tâm lãnh đạo, rèn luyện Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Hồ Chí Minh tự đặt mình trong tập thể, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Người viết: “Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó” và nguyện đi cùng với đồng bào, dù phải hy sinh tính mạng cũng không nề. Chúng ta đều biết rằng, trong những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Người vẫn sống và làm việc tại Hà Nội, mặc dù Trung ương cố gắng thuyết phục Người chuyển về nơi làm việc an toàn hơn, chẳng hạn ở K84, nhưng Người đã từ chối.
Tấm gương mẫu mực về phẩm chất, tư cách của một đảng viên, trung thực, trách nhiệm, luôn luôn phấn đấu làm tròn mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó. Người là tấm gương tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Bác là người thành lập, rèn luyện và là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Người luôn luôn gương mẫu thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện kỷ luật của Đảng nghiêm minh và tự giác. Quan tâm việc mở rộng thực hiện dân chủ trong Đảng, Người đã gương mẫu thực hiện dân chủ đầy đủ và tích cực nhất trong sinh hoạt Đảng. Người xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nêu cao tinh thần “phụ trách” trước Đảng, trước dân tộc và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương luôn luôn tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống, tác phong của một đảng viên. Người là tấm gương luôn luôn giữ vững và rèn luyện ý chí quyết tâm thực hiện mục tiêu dành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Người là tấm gương khổ luyện, tiếp thu các giá trị văn hóa, tinh hoa của nhân loại; tự hoàn thiện nhân cách, không ngừng học tập để có tri thức, nâng cao tầm trí tuệ.
Người là tấm gương rèn luyện, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm chính chí công vô tư, lối sống giản dị trung thực, hòa đồng, làm chủ bản thân và luôn có khát vọng vươn tới những chuẩn mực chân, thiện, mỹ
Những câu chuyện kể về cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác được các đồng chí trực tiếp làm viêc, giúp việc kể lại, làm chúng ta càng bồi hồi, xúc động.
Cuối năm 1954, về Hà Nội sau đó vài tháng Bác mới chuyển đến Phủ Chủ tịch. Lúc đến đó,tự Bác chọn chỗ của Bác ở. Bác đi đến khu nhà của những người ngày trước gọi là phu phen, tạp dịch trong Phủ toàn quyền cũ. Cuối cùng, Bác chỉ vào một căn buồng và Bác bảo là Bác sẽ ở đấy. Đó là căn buồng của một người thợ chữa điện ngày trước ở trong khu ấy. Bác đã ở trong căn buồng người thợ điện ấy 4 năm. Đến gần mùa Thu năm 1958, Bác đi thăm một số nước ngoài gần 2 tháng, nhân đấy Trung ương mới làm cái nhà sàn gỗ mà chúng ta biết. Lúc về, Bác nhận cái Nhà sàn gỗ ấy, mới thôi ở cái buồng của người thợ điện (theo Việt Phương). Cũng giống như căn Nhà sàn ở K84, đây còn là nơi họp của Bộ Chính trị.
Con người minh triết Hồ Chí Minh lo trước hết là làm chủ chính mình, không để cho ngoại cảnh thay đổi mình. Là Chủ tịch Nước, Bác vẫn dứt khoát sống cuộc sống của một người dân bình thường; thích ăn những món ăn Việt Nam. Những món ăn quê hương xứ Nghệ thì Bác cũng có cái thích riêng. Khoảng thời gian chúng ta bắt đầu ăn độn. Bác bảo: “Các chú thổi cơm độn cho Bác, cán bộ và nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy”. Đi công tác thì thổi cơm độn nắm lại hoặc mang theo bánh mỳ đi ăn. Ở Ba Vì có 2 địa điểm: Vật Lại và Đá Chông là nơi Bác đã từng ngồi ăn cơm nắm. Chính tại Đá Chông trong một lần đi thăm bộ đội diễn tập thực binh, Bác cháu đã ngồi ăn cơm nắm cạnh mỏm đá hướng ra sông Đà và Bác đã quyết định chọn nơi này làm căn cứ dự phòng của Trung ương.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhằm thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.Đạo đức với những phẩm chất chung,cơ bản nhất: Trung với nước, hiếu với dân - yêu thương con người - cần kiệm liêm chính, chí công vô tư - tinh thần quốc tế trong sáng. Văn minh có thể hiểu là trí tuệ. Đảng phải là Đảng của trí tuệ tiên phong ngang tầm thời đại. Đảng phải là Đảng đạo đức theo gương đạo đức Hồ Chí Minh thì mới xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thế giới còn có những đổi thay, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho Đảng ta và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.