Tin nổi bật
Sáng ngày 17/10/2024, UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Cổ Nhuế 1 đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thủ đô năm 2024. Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu là cán bộ, công chức, đảng viên và hội viên các đoàn thể chính trị xã hội.
Ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Đây là đạo luật rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô; qua đó tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị. Hội nghị còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11/2024).
Tham dự Hội nghị, đại biểu phường Cổ Nhuế 1 có ông Đỗ Xuân Chung - Phó Bí thư TT Đảng ủy phường, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UB MTTQ phường, bà Hoàng Thị Chiên - Phó Chủ tịch UBND phường, ông Nguyễn Tiến Dũng - Cán bộ Thanh Tra Nhân Dân. Hội nghị trân trọng có sự tham dự của ông Trương Công Đỉnh - Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp luật Sở Tư pháp TP.Hà Nội, Báo cáo viên pháp luật, đồng thời là giảng viên tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủ đô năm 2024 tại hội nghị.
Quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô, giảng viên Trương Công Đỉnh - Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp luật Sở Tư pháp TP.Hà Nội cho biết Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND Thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND Thành phố).
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền Thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của Thành phố, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của Thành phố để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Luật cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật cũng mở ra "kỷ nguyên mới" trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung: "Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công". Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ…
Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội thành một đô thị hiện đại, văn minh và bền vững. Luật này không chỉ tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển Thủ đô, mà còn đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện các chính sách, quy hoạch và dự án phát triển. Ngoài ra, Luật Thủ đô còn góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và môi trường sống. Việc thực thi Luật Thủ đô cũng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng và quản lý đô thị, tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến và giám sát các hoạt động của chính quyền.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thủ đô đã kết thúc thành công. Các đại biểu đã nắm được những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô năm 2024 . Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong thời gian tới, Phường Cổ Nhuế 1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững.